Bộ Công thương ban hành Thông tư quy định kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường
Nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường; chấn chỉnh ngay những sai sót, hạn chế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những hạn chế, bất cập, từ đó kiến nghị các biện pháp cần thiết để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường, ngày 30/10/2019, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 20/2019/TT-BCT quy định kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường. Một số nội dung cơ bản của Thông tư này như sau:
Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư quy định về mục đích, nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nội bộ và xử lý kết quả kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường. Thông tư cũng nêu rõ, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Về đối tượng áp dụng: Cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp; công chức đang làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường (gọi tắt là công chức) bao gồm công chức Quản lý thị trường và công chức chưa được bổ nhiệm vào ngạch công chức Quản lý thị trường; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm tra nội bộ của lực lượng Quản lý thị trường là đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.
Về các nguyên tắc trong kiểm tra nội bộ: Hoạt động kiểm tra nội bộ phải thực hiện theo đúng nội dung, hình thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra nội bộ; Các hành vi vi phạm pháp luật phát hiện được trong quá trình kiểm tra nội bộ phải bị đình chỉ ngay cùng với việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa phù hợp và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Các hành vi cản trở, gây khó khăn, nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra nội bộ hoặc vi phạm các quy định tại Thông tư thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Về hình thức kiểm tra nội bộ: Kiểm tra nội bộ bao gồm hai hình thức là kiểm tra nội bộ định kỳ và kiểm tra nội bộ đột xuất.
Kiểm tra nội bộ định kỳ theo kế hoạch hàng năm đã được Tổng cục trưởng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường địa phương, Cục trưởng Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường phê duyệt, ban hành.
Kiểm tra nội bộ đột xuất trong các trường hợp: khi có văn bản yêu cầu kiểm tra nội bộ của cấp trên có thẩm quyền; khi nhận được thông tin, tài liệu, chứng cứ về dấu hiệu vi phạm của công chức, cơ quan Quản lý thị trường và có cơ sở để thẩm tra, xác minh; khi thực hiện kiểm tra nhanh về kỷ luật, kỷ cương hành chính hoặc việc chấp hành quy định pháp luật của lực lượng Quản lý thị trường tại nơi đang tiến hành kiểm tra, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Kiểm tra nội bộ gồm những nội dung sau đây:
- Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các hoạt động công vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc theo sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước của cấp trên có thẩm quyền;
- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng Thẻ Kiểm tra thị trường; số hiệu, biển hiệu, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường; mẫu biên bản, quyết định; quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và các tài sản công khác của cơ quan Quản lý thị trường;
- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường;
- Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động công vụ của công chức, cơ quan Quản lý thị trường;
- Kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của công chức, cơ quan Quản lý thị trường;
- Kiểm tra việc thực hiện các hoạt động công vụ khác của công chức, cơ quan Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào yêu cầu quản lý, kế hoạch và hình thức kiểm tra nội bộ, người có thẩm quyền quyết định việc kiểm tra nội bộ có thể quyết định kiểm tra một hoặc nhiều nội dung kiểm tra nêu trên.
Về thẩm quyền quyết định việc kiểm tra nội bộ
Tổng cục trưởng quyết định việc kiểm tra nội bộ định kỳ hoặc đột xuất đối với các cơ quan Quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục.
Cục trưởng quyết định việc kiểm tra nội bộ định kỳ hoặc đột xuất đối với công chức, cơ quan Quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường địa phương, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường theo phân cấp quản lý được giao.
Tổng cục trưởng, Cục trưởng có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền quyết định việc kiểm tra nội bộ. Việc giao quyền thực hiện bằng văn bản dưới hình thức thường xuyên hoặc theo vụ việc.
Ngoài các nội dung nói trên, Thông tư còn quy định cụ thể về các nội dung: số lần kiểm tra và thời gian trực tiếp thực hiện kiểm tra nội bộ; ban hành kế hoạch và xử lý chồng chéo trong hoạt động kiểm tra nội bộ; quyết định kiểm tra nội bộ; Đoàn kiểm tra nội bộ; trách nhiệm của người quyết định kiểm tra; trách nhiệm, quyền hạn của Đoàn kiểm tra nội bộ; trách nhiệm, quyền hạn của công chức, cơ quan Quản lý thị trường được kiểm tra nội bộ; trình tự, thủ tục thực hiện và xử lý kết quả kiểm tra nội bộ.
Thông tư số 20/2019/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2019 và thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-BCT ngày 31/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc ban hành Quy chế kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường.
Toàn văn Thông tư, download tại đây.