25 nhóm hành vi công chức Quản lý thị trường không được làm trong hoạt động công vụ
Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực quản lý thị trường sau khi lực lượng Quản lý thị trường chuyển đổi mô hình tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, ngày 30/9/2019, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-BCT quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường. Thông tư này thay thế Thông tư số 13/2014/TT-BCT ngày 14/5/2014 của Bộ Công thương quy định về hoạt động công vụ của công chức Quản lý thị trường.
So với Thông tư số 13/2014/TT-BCT, Thông tư số 18/2019/TT-BCT được đánh giá là chi tiết hơn. Cụ thể, Thông tư đã bổ sung một điều khoản giải thích từ ngữ để làm rõ hơn những thuật ngữ được sử dụng trong Thông tư như “cố ý vi phạm”, “vô ý vi phạm”, “tái phạm”, “thiếu trách nhiệm”, “buông lỏng quản lý”, “vi phạm nghiêm trọng”, “vi phạm rất nghiêm trọng” và “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” (Điều 2).
Về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường, Thông tư số 18/2019/TT-BCT quy định gồm 13 nhóm là: chỉ đạo, điều hành; tham mưu, tổng hợp, báo cáo; tuyển dụng và thực hiện chính sách, chế độ đối với công chức; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; tổ chức họp, hội nghị, hội thảo; kiểm tra nội bộ; thông tin, tuyên truyền; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; phối hợp thanh tra chuyên ngành, kiểm tra; quản lý, sử dụng ấn chỉ, công cụ hỗ trợ và tài sản, trang thiết bị công; các nội dung khác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường. Một điểm bổ sung quan trọng của Thông tư số 18/2019/TT-BCT so với Thông tư số 13/2014/TT-BCT là hoạt động công vụ hằng ngày của công chức làm việc tại các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các phòng nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phải được ghi trong Sổ Nhật ký công tác (Điều 4).
Về những việc công chức Quản lý thị trường không được làm trong hoạt động công vụ, Thông tư số 18/2019/TT-BCT quy định 25 nhóm hành vi (Thông tư số 13/2014/TT-BCT quy định 15 nhóm hành vi) (Điều 5). Cụ thể như sau:
1. Không chấp hành các quy chế, nội quy cơ quan, tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng.
2. Không mặc trang phục Quản lý thị trường và đeo biển hiệu, phù hiệu, cấp hiệu đúng quy định.
3. Uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích ngay trước, trong giờ làm việc và trong giờ nghỉ giữa giờ làm việc hoặc trong tình trạng say rượu, bia, chất kích thích khi đang thi hành hoạt động công vụ; hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
4. Có hành vi, cử chỉ, thái độ không đúng mực, lăng mạ, bôi nhọ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức trong hoạt động công vụ.
5. Sử dụng tài sản công, tài chính công và trang thiết bị công vào việc riêng hoặc với mục đích vụ lợi; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ không đúng quy định của pháp luật.
6. Không giải quyết hoặc không tham mưu, ban hành văn bản trả lời liên quan đến chế độ, chính sách đúng thời hạn làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa hợp pháp hoặc quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân.
7. Tự ý ban hành các điều kiện, yêu cầu, thủ tục không đúng quy định của pháp luật trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra; tiếp nhận, xử lý thông tin; thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.
8. Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
9. Không tiếp nhận, xử lý thông tin, đơn của tổ chức, cá nhân theo quy định hoặc không báo cáo, báo cáo không đầy đủ, không trung thực với người có thẩm quyền khi được giao thực hiện hoạt động công vụ.
10. Không xây dựng phương án kiểm tra, phương án khám theo quy định hoặc xây dựng nhưng không căn cứ vào báo cáo thẩm tra, xác minh hoặc đề xuất kiểm tra, khám của công chức được giao nhiệm vụ.
11. Tham mưu, phê duyệt, ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành nhằm mục đích vụ lợi hoặc trái với chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
12. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ văn bản chỉ đạo, kế hoạch kiểm tra, quyết định thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, khám của người có thẩm quyền.
13. Sử dụng các mẫu biên bản, quyết định không đúng quy định khi thiết lập hồ sơ vụ việc.
14. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật trong thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa hợp pháp hoặc quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân.
15. Lợi dụng hoạt động công vụ bao che, dung túng hoặc thông đồng với tổ chức, cá nhân có vi phạm hành chính để làm trái các quy định của pháp luật nhằm mục đích tham ô, nhận hối lộ dưới mọi hình thức.
16. Gợi ý, đòi hỏi phải thỏa mãn các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.
17. Nhân danh cơ quan Quản lý thị trường cung cấp thông tin cho báo chí mà không phải là người được giao nhiệm vụ phát ngôn theo quy định hoặc cố ý cung cấp thông tin cho báo chí khi chưa được sự đồng ý của người có thẩm quyền hoặc không đúng với thẩm quyền, lĩnh vực, nhiệm vụ được giao.
18. Phát ngôn hoặc cung cấp cho báo chí những thông tin làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi vụ việc đang xử lý và chưa có kết luận vi phạm bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
19. Cố tình phát ngôn hoặc cung cấp cho báo chí, đăng tải trên mạng xã hội những thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, bôi nhọ về bản chất, hình ảnh hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
20. Ban hành quyết định thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, khám hoặc thực hiện việc khám ngay mà không có đủ căn cứ, không đúng với thẩm quyền, nhiệm vụ được giao hoặc vì mục đích vụ lợi cá nhân.
21. Giả mạo ấn chỉ, tài liệu nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ việc dẫn đến kết luận không khách quan, không đúng hành vi vi phạm, xử lý không đúng hình thức, mức độ vi phạm và không đúng thẩm quyền.
22. Tham mưu hoặc ban hành quyết định xử phạt, xử lý vi phạm hành chính mà không có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm hoặc áp dụng hình thức xử phạt, xứ lý, khắc phục hậu quả không đúng quy định của pháp luật.
23. Thu tiền xử phạt không đúng quy định; tham ô, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền thu phạt hành chính, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ hoặc tịch thu; sửa chữa hồ sơ, chứng từ, sổ kế toán để tham ô, chiếm đoạt tiền phạt hành chính hoặc tang vật vi phạm hành chính.
24. Tiết lộ trái phép thông tin liên quan đến bí mật nhà nước; sử dụng thông tin, tài liệu có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để cung cấp, tư vấn trái phép cho tổ chức, cá nhân khác hoặc để khiếu nại, tố cáo trái pháp luật gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan chức năng.
25. Các hành vi khác không được làm trong hoạt động công vụ theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật khác có liên quan.
Khi công chức Quản lý thị trường thực hiện một trong 25 nhóm hành vi nêu trên, căn cứ vào mức độ của hành vi vi phạm, công chức sẽ bị người có thẩm quyền áp dụng một hoặc nhiều biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa sau: nhắc nhở; phê bình tại cuộc họp; đình chỉ thực hiện hoạt động công vụ được giao có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; phân công nhiệm vụ khác trong nội bộ cơ quan Quản lý thị trường; tạm đình chỉ công tác trong trường hợp phải bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Điều 7).
Thông tư số 18/2019/TT-BCT còn quy định về một số nội dung khác như chế độ trách nhiệm của công chức lãnh đạo đối với vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ; khen thưởng và thực hiện chế độ ưu đãi đối với công chức trong hoạt động công vụ… Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2019.